TÌM HIỂU HÌNH THỨC SONATE TRONG CUỘC THI STEINWAY

Một trong những phần thi bắt buộc thuộc bảng B trong cuộc thi piano Steinway chính là sonate (chương số 1 – first movement). Đây là một trong những thể loại và hình thức âm nhạc quan trọng nhất thuộc dòng nhạc cổ điển (classcal music).

 

GIỚI THIỆU VỀ SONATE

 

Sonate (tiếng Latin là sonara, nghĩa đen là “âm thanh”) là một thể loại tác phẩm âm nhạc cổ điển viết cho một hay nhiều nhạc cụ.  Thuật ngữ sonate cũng chỉ hình thức âm nhạc đặc trưng của chương số 1 trong các sonate thế kỉ 18 và các thể loại có liên quan.

Từ giữa thế kỉ 18, thuật ngữ sonate thường được sử dụng cho các tác phẩm có khuôn mẫu ba hoặc bốn chương viết cho một hoặc hai nhạc cụ, như trong piano sonate (cho piano độc tấu) hoặc violin sonate (cho violin với bè đệm đàn phím).

 

Thuật ngữ sonate còn được sử dụng cho các tác phẩm bố trí theo khuôn mẫu sonate nhưng được soạn cho những kiểu kết hợp nhạc cụ khác; chẳng hạn như sonate cho dàn nhạc được gọi là symphony, sonate cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc được gọi là concerto và sonate cho tứ tấu đàn dây được gọi là string quartet.

Theo dòng lịch sử, nhiều nhà soạn nhạc đã khai phá nhiều khía cạnh khác nhau của sonate, trong đó ghi dấu ấn nổi bật nhất phải kể đến
Vivaldi, Haydn, Mozart, Beethoven, Chopin và Liszt.

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

 

Vào thế kỉ 16 và 17, thuật ngữ sonate, xuất hiện ngày càng thường xuyên ở tiêu đề các tác phẩm khí nhạc, chỉ có nghĩa là một “tác phẩm khí nhạc” để phân biệt với một tác phẩm thanh nhạc. Thuật ngữ không ngụ ý bất cứ một khuôn mẫu cụ thể hay phong cách sáng tác nào.

Domenico Scarlatti (1685 – 1757) là người có những đóng góp đáng kể trong việc hoàn thiện hình thức sonate. Ông đã sử dụng các kiểu chủ đề tương phản, làm cơ sở cho sự phát triển hình thức sonate sau này. Đến thời Philipp Emanuel Bach (1714 – 1788), con trai của J. S. Bach, hình thức sonate có thêm nhiều tiến bộ rõ rệt, thể hiện ở sự kết hợp tinh tế giữa chất trữ tình du dương và chất suy tư, kịch tính của ngôn ngữ âm nhạc. 

 

Những nhà soạn nhạc vĩ đại thuộc trường phái cổ điển Vienne, như W. A. Mozart và Joseph Haydn, cũng đã có những đóng góp quý báu cho thể loại này. Nhưng công lao to lớn nhất phải dành cho nhà soạn nhạc bậc thầy Ludwig van Beethoven, người đã hoàn chỉnh thể loại sonate một cách tuyệt vời, đưa hình thức này lên đỉnh cao nghệ thuật, thể hiện được một cách tài tình những tư tưởng lớn của thời đại và những diễn biến sâu sắc nhất của tâm hồn con người.

 

Cho đến giữa thế kỷ 18, sonate đã tiến triển thành một hình thức được định tính rõ ràng hơn, gồm 3 hay 4 chương. Chương thứ nhất thường ở tốc độ nhanh vừa phải; chương thứ hai sử dụng một trong một vài hình thức và ở tốc độ chậm; chương cuối cùng cũng theo một trong một vài hình thức và ở tốc độ nhanh. Nếu tác phẩm có chương thứ tư thì một minuet được chèn vào trước chương cuối cùng.

Từ đó trở đi, khuôn mẫu của một sonate, cùng với những nguyên tắc của hình thức sonate, đã lan khắp nghệ thuật âm nhạc của thời đại, không chỉ trong các sonate cho nhạc cụ mà còn trong các giao hưởng, concerto và tứ tấu đàn dây cùng những tác phẩm âm nhạc thính phòng khác. 

 

HÌNH THỨC CỦA SONATE

 

Theo các nhà nghiên cứu, sonate “vừa là một hình thức âm nhạc (musical form), vừa là một thể loại (style)”. Một tác phẩm âm nhạc có thể mang cấu trúc của sonate, khi đó tác phẩm đó mang “hình thức sonate”. Sonate còn là một loại tác phẩm âm nhạc, tương tự như oratorio, opera, concerto, v.v…,
khi đó người ta có “thể loại sonate” hay “liên khúc sonate”.

Liên khúc sonate cổ điển là một tác phẩm gồm nhiều chương liên kết lại với nhau, trong đó mỗi chương tương đối mang tính độc lập. Ngoài ra yếu tố cần thiết và quan trọng của thể loại liên khúc sonate cổ điển là: trong số các chương trong tác phẩm, nhất thiết phải có một chương (thường là chương 1) được viết dưới hình thức sonate. 

 

Về bố cục, thể loại liên khúc sonate cổ điển thường gồm có ba hoặc bốn chương với tốc độ khác nhau:

Chương 1 thường được viết ở hình thức sonate với nhịp độ nhanh, sôi nổi (nên thường được gọi là sonate allegro). Do biểu tượng và ý đồ nghệ thuật của hình thức sonate nên chương một nhằm giới thiệu tập trung nội dung của tác phẩm. Hai chủ đề phản ánh các mặt tương phản của cuộc sống, tư tương và tâm hồn con người. Do đó, có thể nói chương 1 đã khái lược phần nào tư tưởng và quan điểm của tác giả.

Chương đầu tiên của bản sonate giới thiệu một giai điệu, hay một “chủ đề” mãnh liệt và mạnh mẽ. Chủ đề tương phản thứ hai, luôn như một khúc ca ngọt ngào sẽ được xuất hiện tiếp sau. Có thể có nhiều hơn hai chủ đề trong một chương của sonate, và thường là sẽ có đến 4 hay 5 chủ đề, mỗi chủ đề hàm chứa một cá tính mạnh mẽ rất dễ thấy. Khi toàn bộ các chủ đề đều đã được xuất hiện, phần trình đề (exposition), như thường được gọi thế, sẽ kết thúc.

Tiếp đến là phần phát triển (development), tức một phần phức tạp và thú vị. Trong phần phát triển này, các mảnh chủ đề được giới thiệu trước đó sẽ được đem trở lại, song nhìn chung luôn theo một hình thức được ngụy trang. Chính tại đây, nhà soạn nhạc sẽ cho thấy sức tưởng tượng và kĩ năng ứng xử với các chất liệu. Đôi khi, sự phát triển này có thể có kịch tính cao. Các chủ đề sẽ được tháo dỡ thành các mảnh lẻ; Chúng sẽ cắt ngang nhau, và do đó ở đây sẽ xuất hiện rất nhiều sự xung đột và sự bất ngờ.

Vào cuối của phần phát triển này, đỉnh điểm kịch tính sẽ xuất hiện. Phần ba của chương sonate form này được gọi là phần kết đề (recapitulation). Một lần nữa, các chủ đề từng được giới thiệu ở trình đề sẽ lại xuất hiện, song có lẽ, trong nhiều dáng vẻ mờ ảo hơn.
Kết đề cũng chính là phần kết cho chương đầu- sonate form-của một bản sonate. 

 

Chương 2 thường được viết ở nhịp độ chậm như: Andante, Adagio hay Largo. Chương II thường có giai điệu trữ tình như một ca khúc.
Đôi khi, nó cũng mang tính chất suy tư hoặc bi thương.

Chương 3 Các nhà soạn nhạc ở thế kỷ 18 (như Haydn, Mozart) thường chỉ viết sonate ba chương, riêng Beethoven đã sáng tạo ra sonate bốn chương. Trong thể loại sonate bốn chương này, Beethoven đã đặt giữa chương hai và chương cuối một chương có nhịp điệu Scherzo. Tính chất âm nhạc ở đây khi thì vui nhộn, khi thì hóm hỉnh, châm biếm. Nó khác điệu Menuet ở chỗ không bị gò bó vào tiết tấu vũ khúc, mà có phong cách tự do và giàu sức diễn tả hơn.

Nếu bản sonate có 4 chương, chương 3 nhìn chung sẽ luôn là một điệu minuet hay scherzo đầy nhịp điệu và sống động, tức một chương kiểu vũ nhạc nhanh,
có tính hài hước hay có sự thay đổi bất ngờ về tâm trạng.

 

Chương 4 là chương kết, thường có nhịp độ rất nhanh (vivace, presto). Chương kết có thể được xây dựng trên cơ sở một điệu múa dân gian, khúc biến tấu (variation) của một chủ đề mang tính ca khúc, hoặc được viết theo hình thức Rondo. Từ thế kỷ 18 trở đi, do nhu cầu diễn đạt nội dung ngày càng sâu sắc và phong phú, nên chương kết cũng có thể được viết ở hình thức sonate. Trong trường hợp này, chương kết có vị trí quan trọng trong việc tổng kết vấn đề đã nêu ra trong tác phẩm, khẳng định một kết luận bằng những hình tượng âm nhạc tràn đầy kịch tính và sức diễn tả.

 

KẾT LUẬN

 

Sonate là một hình thức âm nhạc dành cho nhạc cụ sở hữu những tác phẩm vĩ đại nhất từng viết cho các nhạc cụ độc lập.

 

Nếu chưa bao giờ nghe sonate, bản Pianon Sonate in C Major (K. 545) của Mozart, hay bản Sonate in A Major (K.331) là những tác phẩm đáng chú ý.
Sonate Moonlight của Beethoven rất nổi tiếng, song có lẽ không sánh được với bản sonate Pathetique, opus 13 đầy bão tố của ông.

Một số sonate hiện đại, viết cho violin hay flute, có thể kể đến là sonate của Milhaud, Hindenmith, Prokofiev hay Ives.

 

NGUỒN THAM KHẢO:

 

Bài viết sử dụng nhiều trích đoạn từ các nguồn tham khảo sau:

1. Wikipedia (2019). Sonata, Wikipedia.

2. Nguyễn Như Huy (2013). Kiến thức cơ bản về nhạc cổ điển, facebook Nguyễn Như Huy.

3. Nguyễn Bách (2014). Ba thể loại quan trọng của âm nhạc kinh điển, page Kiến thức âm nhạc.

4. Ngọc Anh (2012).  Sonata, Nhaccodien.info.

 

Hình ảnh:

1. Ventura Harbor Village (2018). Seaside Live Music, Ventura Harbor Village.

2. Jakob Koranyi (2012). Solo Sonata, Jakob Koranyi Youtube.

3. The Saint Paul Chamber Orchestra (2018). Beethoven’s Violin Concerto. The Saint Paul Chamber Orchestra.

4. The Geneva String Quartet Competition (2016). Quartet, Concours De Genève.

5. Wikipedia (2019). Domenico Scarlatti, Wikipedia.

6. Wikipedia (2019). Carl Philipp Emanuel Bach, Wikipedia.

7. Wikipedia (2019). Wolfgang Amadeus Mozart, Wikipedia.

8. Wikipedia (2019). Joseph Haydn, Wikipedia.

9. Wikipedia (2019). Ludwig van Beethoven, Wikipedia.

10. Krishna (2018). The Most Famous Piano Songs, Superprof.

11. Breese Learning (2016). Breese music, Breese Learning

12. San Diego Symphony (2019). San Diego Symphony Orchestra, San Diego Symphony.